Nếu mứt cam gây nghiện bởi vị hương thơm cay thoảng, mứt dâu ngọt ngào thanh thoát thì mứt Bụp giấm lại giàu dinh dưỡng và gây ấn tượng bởi vị ngọt thanh, hậu chua nhẹ nhàng. Vậy làm mứt Bụp giấm như thế nào?
Xem thêm: Bụp giấm: Đặc điểm, thành phần hóa học và công dụng
Bụp giấm không chỉ để làm mứt
- Bụp giấm còn gọi là Lạc thần hoa, có tên khoa học là Hibiscus sabdariffa, thuộc họ Cẩm Quỳ - Malvaceae.
- Hàm lượng khoáng chất, vitamin và acid amin dồi dào, nên Bụp giấm còn là bài thuốc được sử dụng nhiều trong Đông y với các công dụng nổi bật như: làm giảm huyết áp, bảo vệ hệ tim mạch, lợi tiểu, làm chậm quá trình oxy hóa và ngăn ngừa một số bệnh mãn tính ở người.
- Bụp giấm được sử dụng để làm siro, trà thảo dược, rau ăn, màu thực phẩm và làm mứt.
Cách làm mứt Bụp giấm
Bao gồm các bước sau:
Chuẩn bị nguyên liệu:
- Hoa Bụp giấm: 2kg
- Đường trắng: 1kg
- Lọ đựng thủy tinh
Thực hiện:
- Rửa sạch Bụp giấm với nước muối loãng. Lưu ý: Chọn hoa Bụp giấm không bị dập nát và rửa nhẹ, tránh làm hoa bị dập.
- Tách riêng phần cánh hoa và nhụy hoa. Tiếp tục rửa sạch cánh hoa trong nước sạch, để ráo.
- Cho phần cánh hoa Bụp giấm vào đáy lọ thủy tinh. Tiếp đến là lớp đường, lớp hoa cho đến hết.
- Sau khi đường đã tan hết, khoảng 3 đến ngày, tách riêng phần cánh hoa và nước mật (siro) Bụp giấm.
- Phần cánh hoa cho vào sảo và sên trên lửa nhỏ. Lưu ý: Nếu sên trên lửa (nhiệt) quá nóng có thể làm cháy sản phẩm.
- Sên Bụp giấm cho đến khi hơi co lại, đường rút vào cánh hoa là được.
- Sấy mứt sao cho cánh hoa khô hẳn.
* Lớp trên cùng cần phủ đường kín để tránh nấm mốc phát triển.
* Phần nhụy hoa Bụp giấm có thể phơi khô và hãm làm trà thảo dược. Trà Bụp giấm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và an thần.
* Nước mật Bụp giấm có thể bảo quản trong tủ lạnh và dùng dần. Có thể chế biến thành các thức uống giải khát hoặc trang trí bánh.
* Bảo quản mứt Bụp giấm trong ngăn mát tủ lạnh.
Xem thêm: Cách làm siro Bụp giấm đơn giản
Yêu cầu thành phẩm
- Mứt Bụp giấm đúng chuẩn cần đảm bảo các yếu tố dưới đây:
- Cánh hoa ngấm đường, không bị chảy nước.
- Bụp giấm đạt độ dẻo vừa phải, không bị nhũn.
- Mứt có màu đỏ tía hướng đen đặc trưng.
- Vị mứt Bụp giấm nhẹ, ngọt thanh, hậu chua dịu, rất thích hợp cho người không ăn ngọt.