Vào năm 1857, cây cà phê đầu tiên được người Pháp du nhập vào Việt Nam. Và cũng từ đây, những đồn điền cà phê lớn nhất nhì Đông Dương đã trở mình phát triển, đưa cà phê trở thành một trong những cây trồng có giá trị và sản lượng xuất khẩu cao, chỉ sau gạo.
Khám phá lịch sử cà phê Việt Nam trong bài chia sẻ này!
Xem thêm: Nguồn gốc các giống loài cà phê trên thế giới
Cây cà phê đầu tiên
- Arabica là giống cà phê đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, thông qua các nhà truyền giáo người Pháp vào năm 1857.
- Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là những nơi được lựa chọn để thử nghiệm trồng cà phê. Sau, lan sang Quảng Trị, Quảng Bình và cuối cùng là Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Và Tây Nguyên chính là câu trả lời cho thiên thời, địa lợi để phát triển cây cà phê.
- Đến năm 1908, Robusta và Excelsa tiếp tục được đưa đến Việt Nam bởi người Pháp.
- Năm 1930, tổng diện tích trồng cà phê ở Việt Nam là 5900 ha: 4700 ha là cà phê Arabica, 900 ha là cà phê Excelsa và 300 ha là cà phê Robusta.
- Các khu vực nuôi trồng và sản xuất cà phê ngày càng nở rộ vào năm 1986. Tuy nhiên, sản lượng thấp và tốc độ phát triển chậm, chỉ khoảng 18.400 tấn.
- Sau nhiều năm trồng cà phê, thấy rằng: Cà phê Arabica dễ dàng bị sâu bệnh tấn công (đặc biệt là sâu đục thân và bệnh gỉ sắt), sản lượng thấp. Cà phê Robusta thích hợp với khí hậu miền Nam, Trung và Tây Nguyên. Cà phê Excelsa chống chịu sâu bệnh tốt, song giá trị thương phẩm thấp. Vì vậy, Arabica ngày nay không được trồng nhiều ở Việt Nam, trong khi đó Robusta lại được khai thác mạnh mẽ và Excelsa trở nên hiếm thấy hơn.
- Giai đoạn 1960 -1970 hàng loạt các nông trường cà phê được thành lập ở miền Bắc. Tuy nhiên, sau một quá trình trồng trọt, nhiều người tin rằng miền Bắc không phù hợp với cây cà phê.
Công cuộc cải cách cây cà phê
- Năm 1980, Bộ nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm xây dựng thực hiện chương trình phát triển cà phê. Điều này đã mở ra hàng loạt các ký kết có lợi cho cà phê Việt Nam bấy giờ. Cụ thể Việt Nam - Liên Xô (trồng mới 20.000 ha), Việt Nam - CHDC Đức (trồng mới 10.000 ha), Việt Nam - Hungary (trồng mới 5.000 ha). Việt Nam - Tiệp Khắc (trồng mới 5.000 ha) và Việt Nam - Ba Lan (trồng mới 5.000 ha).
- Liên hiệp các xí nghiệp cà phê Việt Nam (LH-XN-CPVN) được thành lập vào năm 1982. Với sự tham gia của sư đoàn quân đội, công ty thuộc Bộ Nông nghiệp và các địa phương Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, cà phê được mở rộng ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Robusta được chọn làm giống tiên phong với khả năng chịu nhiệt, ưa nóng ẩm và có sức đề kháng tốt.
- Đến năm 1986, Liên hiệp các xí nghiệp cà phê Việt Nam tổ chức Hội nghị phát triển cà phê nhân dân lần thứ nhất. Trong hội nghị này có sự tham gia của các hộ gia đình nông dân ở các tỉnh Tây nguyên, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ. Đây cũng là lúc cà phê Việt Nam bước vào mùa, rộ lên những tín hiệu đầy khởi sắc.
- Sau năm 1986, cà phê được tập trung chuyển đổi thành một ngành nông nghiệp quan trọng. Do đó, diện tích trồng, sản lượng, chất lượng và giá trị xuất khẩu cà phê dần được tăng cao.
- Cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, cà phê Catimor thuộc giống Arabica được đưa vào sản xuất. Đây là giống cà phê có khả năng chống bệnh gỉ sắt mạnh mẽ. Và đây cũng chính là nền tảng để xây dựng chương trình phát triển cà phê Arabica ở Việt nam.
Cà phê Việt Nam, sau một thế kỷ, từ thăng trầm bước ra ánh sáng
- Vào cuối năm 1990, Việt Nam trở thành nhà sản xuất cà phê hàng đầu Đông Nam Á và TOP 3 thế giới. Trong đó, Robusta chiếm đến 92,9% diện tích cà phê tại Việt Nam.
- Sau năm 1990, sản lượng cà phê luôn tăng đều đặn từ 20 đến 30%. Kinh tế phát triển, đời sống người dân được cải thiện phần lớn là nhờ cây cà phê.
- Quốc hữu hóa cà phê đã phát huy tối đa tiềm lực của Tây Nguyên, đồng thời dẫn đến sự phát triển đột biến của ngành công nghiệp cà phê (trong đó có chế biến). Chúng ta có thể kể đến sự hiện diện của Trung Nguyên (1996) và Highlands Coffee (1998). Có nghĩa là, cà phê đã thực sự trở thành một phần không thể thiếu trong kinh tế, đời sống người Việt.
Thành công từ cây cà phê
- Từ 1986 đến năm 2016, sản lượng cà phê tại Việt Nam tăng gần 100 lần, từ 18.400 tấn năm 1986 đến 1,76 triệu tấn trong năm 2016.
- Ngày nay, cây cà phê - chè trở thành mô hình kết hợp và được trồng ở nhiều nơi ở Việt Nam, bao gồm cả các tỉnh phía Bắc. Trong đó, khu vực trọng điểm vẫn là Tây Nguyên với 3 tỉnh Đăk Lăk, Kon Tum và Lâm Đồng. Robusta Buôn Ma Thuột, Cầu Đạt (Đà Lạt) được biết đến như giống hạt chất lượng nổi tiếng thế giới.
- Robusta cường độ cao trở thành thương hiệu của cà phê Việt, khi mà sản lượng đạt gấp nhiều lần so với các quốc gia sản xuất cà phê khác trên thế giới.