Cái thức ấy đâu chỉ là đặc sản, nó còn là món quà quê thảo thơm đưa hương đồng nội. Thi thoảng giữa nửa chiều con gió, khi mà nắng trời còn hanh hao và tàu lá chuối xạc xào, cả nhà lại xôm tụ với nhau dưới mái hiên đã già trăm tuổi. Người bẻ bánh tráng, người vích một ít thứ dẻo quẹo màu cánh gián ấy. Cắn một phát. Lại nhai rùm rụm. Lúa non, nếp trắng cuộn tan trên đầu lưỡi. Ấy là mạch nha!
Có thể bạn cần:
Xem thêm: Đặc sản Quảng Ngãi - 5 món ngon nhất định phải thử!
Kẹo gương Thu Xà - Mạch nha Mộ Đức
Chẳng biết từ bao giờ cái nghề làm mạch nha lại đi vào nếp sống của người dân Thi Phổ (Mộ Đức) Quảng Ngãi. Nhưng nghe đâu nó bắt nguồn từ nhà ông Phó Sáu (Thiết Trường - Mộ Đức). Rồi ông Phó Sáu lại truyền cho con rể là Trần Diêu. Cho nên, vùng Thi Phổ mang danh xứ mạch nha cho đến nay cũng là vì vậy.
Nhắc đến cái sự ngon của mạch nha, tôi lại cảm thấy buồn. Có lẽ là người gốc Quảng, nhưng từ nhỏ đến giờ, chỉ nghe nói đến mạch nha mộng lúa thanh thơm chứ chưa từng một lần được thưởng thức.
Tôi cũng có dịp được quết mạch nha mà ăn với bánh tráng. Nhưng chẳng hiểu sao cứ ngọt thé, ngọt gắt. Phải! Cái vị ngọt làm sít cả vòm họng và hương thơm thì đến từ mùi đường. Cho nên, nó chưa bao giờ là thức quà ngon với tôi, cho đến khi được người bạn tặng cho một hủ mạch nha chính hiệu Mộ Đức.
Làm mạch nha - Trong bình dị có kỹ nghệ kỳ công
Được dịp tiếp xúc và thực tế ở quê hương của mạch nha, tại nhà của anh Ngọc mới thấy hết cái kỳ - dị - vị - thú trong từng công đoạn làm ra thức quà quê rất đỗi bình dị này.
Đầu tiên, phải chuẩn bị lúa. Đó phải là những hạt lúa mẩy, đồng đều, vàng ươm để mộng được lên đều. Sau vài ngày ủ, mộng lúa (lúa non) cỡ 2 -3 đốt tay, xanh và nõn mượt mà đơm dày lên nhau. Tiếp tục, đem đi phơi nắng già cho khô sao mà độ ẩm trong từng hạt lúa vẫn còn độ 1%.
Tiếp theo, lấy nếp đem đồ xôi. Tương tự như lúa, phải là những hạt nếp trắng, đầy đặn và đồng đều. Lúa, nếp đạt chuẩn thì mẻ mạch nha thành phẩm mới khai hương mở vị đúng với tinh thần của nó.
Tiếp đến, lấy bột mộng lúa trộn với xôi nếp theo một tỷ lệ nhất định, ủ cho lên men và ép (xay) lấy cốt nước. Cốt nước này lại đem nấu lên cho cô đặc là thành mạch nha. Nói thì đơn giản thế thôi và ai thì cũng biết công thức để làm, nhưng thao tác, canh chuẩn, cân lượng sao cho ra mạch nha vừa dẻo, vừa thơm nhẹ, vừa ánh lên màu vàng cánh gián đặc trưng lại đượm vị ngọt thanh nhẹ nhàng, thuần khiết thì không phải ai cũng làm được.
Cho nên, công thức để mạch nha ngon đúng điệu chỉ đơn giản là làm nhiều thì quen tay. Nhiều khi nhìn lửa, nhìn nước cốt, hay nghe thấy tiếng nước ùng ục đang dần cô đặc lại cũng đủ cảm lấy thành quả của mình như thế nào.
Đâu chỉ là đặc sản….
Người xứ khác đến Quảng Ngãi, khi về cũng muốn mua ít hủ mạch nha để gọi là chút nhớ. Người xứ mình, đi vô Sài Gòn, đi ra hải ngoại, cũng đem theo vài hủ mạch nha để mà biếu, mà gửi, gọi là chút thương. Nhưng, thức quà ấy đâu chỉ là đặc sản đi trăm nơi, nó còn là kẹo của tuổi thơ, đi vào vô vàn miền ký ức hồn nhiên và nồng hậu.
Ấy là khi mừng quýnh lên chờ mẹ đi chợ về, lục lọi giữa những tàu lá chuối khô cong, lấy ra hủ mạch nha mà mừng quýnh mừng quáng. Rồi cả lúc đã tồng ngồng giữa cái tuổi hai mấy, cũng ao ước được ngồi dưới hiên nhà nghe trời đưa gió, nghe nắng đưa hanh hao, vích một miếng mạch nha, dẻ ra miếng bánh tráng, rồi nhai trong khoan khoái. Kẹo, bánh chưa kịp xuống đến bụng, thì hớp ngay hớp nước chè xanh. Ngọt, bùi, thơm, béo,...thoang thoảng như màn khói xa xăm trên cánh đồng mùa thu tháng 8 gọi về trong bình thản lạ kỳ.
Có ai đang đi tìm quà ngon - Mạch nha mộng lúa chính hiệu Mộ Đức, có thể tìm đến địa chỉ:
Mạch Nha Nếp Thanh Ngọc - Mộ Đức
Hotline: 0927.257.479