Cỏ lá gừng còn gọi là cỏ lá gừng thường, cỏ lá tre. Cỏ lá gừng thường là tên gọi để phân biệt với cỏ lá gừng Thái Lan.
Cỏ lá gừng có tên khoa học là: Axonopus compressus, thuộc họ lúa cỏ, hòa thảo.
Cành nhánh khi phát triển thường bò dài trên mặt đất, lá đơn bầu dục nhỏ, thon dài, cuống lá kéo dài thành gốc có màu nâu đỏ, mặt trên lá có lông mịn nhỏ, phiến lá màu xanh lục bóng, nhẵn viền nhẹ.
Khi già, cỏ sẽ ra hoa, hoa màu vàng nhạt, đầu ngọn ửng đỏ. Hoa phát triển thành cụm, mỗi bông có từ 20-40 hạt, hạt dạng thóc nhỏ.
Cỏ lá gừng là loài sinh trưởng mạnh mẽ, cây dễ trồng, không phải tốn quá nhiều công sức trong chăm sóc, giá thành cây tương đối rẻ, nhanh thu hoạch hoặc tạo thành thảm cỏ nhanh như ý muốn.
Tại sao cỏ lá gừng lại được ưa chuộng?
Từ xưa tới nay, cỏ lá gừng rất được ưa chuộng và được trồng rất nhiều, cỏ lá gừng là loài ưa nắng, chịu được nắng hạn lẫn mưa nhiều, thảm cỏ luôn có màu xanh lục rất đẹp, mát mắt. Sức sống của cỏ lá gừng rất mạnh mẽ, ít bị nấm bệnh gây hại, chỉ cần cỏ luôn được tưới đủ nước là cây luôn xanh tốt, nhu cầu phân bón cho cỏ rất ít, định kỳ mỗi tháng cắt tỉa cho cỏ 01 lần thảm cỏ sẽ đẹp.
Trung bình mỗi m2 cỏ giống ta trồng được từ 2-3m2 đất trồng, tùy theo nhu cầu trồng thưa hay vừa. Thời gian cỏ phát triển bò phủ ra mặt đất tạo thảm xanh rất nhanh. Từ lúc trồng ban đầu đến khi tạo thành thảm xanh khoảng 30-45 ngày.
Thảm cỏ có thể được tạo dảy hoặc mỏng theo yêu cầu của công việc. phần cỏ được bỏ đi sau mỗi lần cắt tỉa có thể dùng ủ phân làm phân bón cho cây trồng khác rất tốt.
Nhu cầu sử dụng loại cỏ lá gừng tại Việt Nam
Hiện nay, nhu cầu sử dụng cỏ lá gừng rất lớn, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Cỏ lá gừng là cây dễ trồng, dễ sống, dễ chăm sóc lại được trồng hầu như quanh năm, không bị hạn chế về không gian cũng như thời gian.
Cỏ được sử dụng hầu hết trong các thiết kế cảnh quan, tạo thảm xanh cho cảnh quan sân vườn, các công ty, nhà xưởng, trường học, bệnh viện, biệt thự, nhà phố….
Phải nói rằng, nhu cầu sử dụng trồng cỏ lá gừng là rất lớn nhưng nguồn cung có lúc bị giới hạn do nhiều nguyên nhân như tốc độ đô thị hóa cao ở vùng ven làm cho đất sản xuất bị thu hẹp. Vào những lúc cao điểm các công trình xây dựng, chỉnh trang Đô Thị, nhà phố, khu nhà ở cao cấp…, cần trồng nhiều thì nhà vườn không đủ cỏ để cung cấp nên khách hàng phải đợi chờ cả tháng mới có cỏ cung cấp trở lại.
Công dụng của cỏ lá gừng
Cỏ lá gừng có nhiều công dụng đa dạng, trong Đông Y, cỏ được dùng làm thuốc. Cỏ lá gừng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, không độc, dùng trị các chứng bệnh như: bệnh phong thấp, nhứt mỏi, lợi tiểu, giải độc…
Cỏ lá gừng được dùng để trồng tạo thành thảm, phủ xanh mát cho sân vườn, công viên, khu công nghiệp…, đặc biệt cỏ được trồng cho các sân thể thao, sân bóng với thảm cỏ dày đẹp.
Ngoài ra, người ta còn trồng cỏ phủ cả đồi trọc, những cánh đồng lớn để chăn nuôi gia súc, nguồn thực phẩm cho trâu bò ăn.
ở Thành phố, cỏ lá gừng còn được trồng làm thức ăn cho gà rất tuyệt, nhất là các giống gà đá, gà chọi, do trong cỏ có rất nhiều Vitamin và khoáng chất, giúp bảo vệ gà tăng sức đề kháng, chống chọi được nhiều bệnh tật, tăng sự dẻo dai, ít bệnh vặt…
Trồng cỏ lá gừng ở đâu?
Có thể trồng cỏ lá gừng thành từng mảng lớn hoặc nhỏ, tùy theo thiết kế của khu vườn, có thể trồng trong vườn, dọc theo công viên đường phố cho đến phủ xanh vườn đồi…
Cỏ lá gừng chịu được ánh sáng 100%, vì vậy bạn có thể trồng ở bất cứ vị trí nào trong sân vườn nếu như ở đó có nhiều ánh sáng chiếu trực tiếp.
Những nơi râm mát, có bóng râm trồng vẫn được nhưng cỏ dễ bị vống cao, cây yếu, thảm cỏ không đẹp như yêu cầu.
Trường hợp bạn trồng cỏ với mục đích để chăn nuôi gia súc, gia cầm như Trâu Bò, Gà ăn thì có thể trồng được ở cả nơi bóng râm lẫn ngoài nắng, chỉ cần chú ý ở khâu chăm sóc, luôn tưới nhiều nước, không để cỏ bị thiếu nước, thiếu nước cây sẽ bị khô héo chậm phát triển và chết.
Tại sao nên chọn trồng cỏ lá gừng mà không phải loại cỏ nào khác?
Thật ra, mỗi loại cỏ đều mang đến những thành quả khác nhau theo ý muốn, mục đích của người trồng.
Thí dụ: Nếu trồng cỏ nhung thảm cỏ sẽ mịn đẹp, cỏ gừng thái thì cây phù hợp trồng nơi bóng râm, bóng mát, cỏ sẽ không bị cháy lá, xanh mướt.
Tuy vậy, múc độ phổ biến trồng nhiều vẫn là cỏ lá gừng thường, do có thể trồng phủ xanh nhanh cả một diện tích lớn, giá thành rẻ, cỏ dễ sống, sống cực lâu, dễ trồng, ít tốn công chăm sóc.
Bên cạnh trồng cỏ tạo thảm xanh trong cảnh quan sân vườn thì cỏ lá gừng được trồng để làm thức ăn mang nhiều giá trị dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm như trâu bò, gà.
Ngoài ra ở những vùng có nhiều đất hoang, đồi trọc, cỏ dại mọc nhiều, để hạn chế cỏ dại, người ta cũng thường trồng cỏ lá gừng bao phủ.
Cách chăm sóc cỏ lá gừng thường
Trước khi tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc cỏ, chúng ta cần biết chút ít về kỹ thuật trồng cỏ lá gừng.
Đầu tiên bạn phải dọn sẵn mặt bằng, bằng cách cuốc xới cho đất tơi xốp và bằng phẳng, dọn sạch rác rưởi, cỏ dại, xong rồi rải lên bề mặt đất trồng một lớp mỏng tro trấu trộn xơ dừa, xé cỏ ra thành từng mảng nhỏ.
Cách trồng cỏ lá gừng
+ Trồng khô: dùng cuốc cuốc từng lỗ sâu từ 3-5cm đặt cỏ vào rồi lấp gốc lại, trồng xong mới tưới nước 01 lượt.
+ Trồng ướt: (cũng có các bước, dọn mặt bằng, rải tro trấu, xé cỏ), tưới nước trước cho ướt nhão đất trồng, rồi trải cỏ đều lên mặt đất trồng với mật độ từ 5-10cm (tùy theo muốn trồng thưa hay dày) hoặc cũng có thể trải xong cỏ rồi tưới nước cũng được. Dùng đầm gỗ hoặc lu sắt đầm nhẹ sao cho phần gốc rễ của bụi cỏ ăn vào trong đất.
Cách chăm sóc cỏ lá gừng
Sau khi trồng xong nếu trời nắng nóng thì phải tưới nước ngày 03 lần (sáng, trưa, chiều), đến khi thấy cỏ sống xanh thì có thể giảm số lần tưới trong ngày xuống còn 1 đến 2 lần. Sau 10 ngày kể từ lúc trồng thì tiến hành bón nhẹ ít phân cho cỏ bén rễ nhanh. Dùng Ure + Dap với liều lượng 1 kg cho 120m2, về sau cứ mỗi 3-4 tuần bón phân lại định kỳ 1 lần, liều lượng: 1kg phân cho 100m2. Sau mỗi lần bón phân cần tưới nhiều nước cho phân nhanh tan, cây dễ hấp thụ và duy trì độ ẩm trong 1 tuần để cỏ nhanh phát triển.
Trong quá trình chăm sóc, cỏ sẽ phát triển xanh tốt, không nên để cỏ vượt quá cao, mỗi tháng nên cắt cỏ 1 lần, để tạo thảm cỏ đẹp. trường hợp không cắt tỉa cỏ thường xuyên, cỏ sẽ vống cao gốc rễ, về sau thảm cỏ rất xấu, cỏ thưa yếu. Thường xuyên kiểm tra thảm cỏ, nhổ bỏ cỏ dại.
Các loại bệnh thường gặp ở cỏ lá gừng
Cỏ lá gừng là cây dễ trồng và dễ chăm sóc. Tuy nhiên nếu trồng cỏ ở những vùng đất có điều kiện không tốt như vùng trũng phèn, phèn mặn, phèn ngọt hoặc nước tưới nhiễm phèn nặng, cỏ sinh trưởng kém, bụi cỏ sẽ lùn đi, lá vàng úa.
Các loại sâu bệnh thường gây hại cỏ lá gừng:
- Sâu đất, sâu xanh: các loại sâu này ban ngày ẩn sâu dưới gốc cỏ, sáng sớm hoac chiều mát là bò lên cắn phá lá cỏ với mật độ có lúc dày đặc, gây hại nghiêm trọng, cần phun thuốc kịp thời để tiêu diệt. Dùng: Fenbis, Karate…, trường hợp nặng, phun thuốc mà không hết, kết hợp dùng thêm thuốc hạt để rải. Dùng: vibasu…
- Sùng đất: Đây là ấu trùng của các loại bọ cánh cứng, chúng di chuyển sâu dưới đất, cắn phá rễ cây làm cỏ chết từng mảng lớn. Dùng: Vifurant 5G, Basudin 10H…,với liều lượng 1kg cho 20m2, rải làm 2 lần, lần 2 cách lần 1 sau 1 tuần. Rải thuốc xong tưới thật nhiều nước, tưới cho nước nổi lên, như vậy thì thuốc mới ngấm sâu vào đất diệt sùng hiệu quả.
Những mảng cỏ bị sùng cắn, rễ héo chết thì luôn luôn tưới cho thật nhiều nước, cứ tưới như vậy trong 2 tuần cỏ sẽ phục hồi trở lại, trường hợp thảm cỏ nhỏ, cỏ chết ít thì có thể trồng mới.
Nấm bệnh: gồm có nấm mốc nhờn, bệnh mốc trắng, bệnh gỉ sắt, nói chung mức độ các loại bệnh trên gây hại không lớn, cần bón cân đối các loại phân NPK, hạn chế bón nhiều phân Đạm.