“Don’t make complaining and whining a habit. The world will not remember what you say, but it will certainly not forget what you have done.” - Jack Ma
(Đừng khiến phàn nàn và than vãn trở thành thói quen. Thế giới sẽ quên bạn nói gì, nhưng chắc chắn sẽ nhớ bạn đã làm gì.)
Chúng ta có thể than phiền về mọi thứ, từ deadline, một bài tập cho đến con mèo nhà hàng xóm. Tôi cũng đã từng mắc phải thói quen than phiền về “cô đơn”, “ế”, “fa” và chia sẻ những dòng tâm trạng “bi đát” lên mạng xã hội, dù lúc đó có là 2 giờ sáng. Cũng giống như bia hay rượu, nếu than phiền nhiều quá thì thành ra Thói Quen. Mà đã là thói quen thì thật khó để bỏ, dù tôi đã cố gắng. Cho đến khi tôi đi làm và gặp sếp của mình. Sếp dạy tôi cách than phiền, nhưng là than phiền có kết quả, đúng hơn là than phiền tích cực với 5 bí quyết đơn giản mà tôi không ngờ dưới đây:
Than phiền có mục đích
“Don’t find fault, find a remedy. Anybody can complain.” - Henry Ford
(Đừng tìm lỗi, hãy tìm cách chữa. Ai cũng có thể phàn nàn)
Tất cả chúng ta đều có quyền than phiền.
Tất nhiên, hãy kiểm tra lại lịch sử của bạn và nghiệm lại những lần phàn nàn gần nhất để xem:
- Bao nhiêu lời phàn nàn có chủ đích?
- Bao nhiêu lời phàn nàn vu vơ?
Bạn mới mua một chiếc điện thoại mới căng, nhưng lại bị sự cố về kết nối mạng. Lúc này, bạn chỉ muốn gào lên trên mạng xã hội rằng:
“ Khốn kiếp cái điện thoại, làm tốn một đống tiền!”
Hay là:
“ Làm thế nào để điện thoại kết nối mạng mượt hơn, nhanh hơn?”
Nếu tình huống 1 chỉ là một lời than phiền vu vơ với ước mong tìm được sự đồng cảm của người khác; thì với tình huống thứ 2, bạn đã biết cách than phiền có mục đích. Hiểu mình đang than phiền điều gì sẽ tạo ra cơ hội giải quyết vấn đề cho chính mình một cách nhanh chóng.
Than phiền đúng người
“Opportunity lies in the place where the complaints are” - Jack Ma
(Cơ hội ở cùng nơi với tiến kêu ca)
Nếu biết cách than phiền, chúng ta dễ dàng biến nó thành cơ hội nhờ vào sự tận dụng lợi thế của người khác. Tuy nhiên, than phiền mang đặc tính hiệu ứng của con dao hai lưỡi.
- “ Tôi bắt đầu làm việc tại công ty XXX. Tuy nhiên, sếp ky bo và đồng nghiệp quá kinh khủng. Đã vậy mọi thứ lại vô cùng rắc rối”
- “ Hôm nay tôi cô đơn quá”
Chúng ta có thể bắt gặp vô vàn những lời than phiền tương đồng như thế trên mạng xã hội hoặc bất kỳ đâu. Vậy thì bạn đã bao giờ rơi vào trường hợp là người “bị than phiền”? Nghe kinh khủng nhỉ? Nhưng thực chất là chúng ta ít nhất hơn nhiều lần trong đời gặp phải tình huống dỡ khóc, dỡ cười ấy.
Chỉ vừa mở mắt ra là đã thấy new face tràn ngập than phiền của bạn bè, rằng:
- “ Lương ơi lương đi xa quá”
- “Mập quá”
- “ Nghèo quá”
Nghĩ mà chán.Chẳng ai mong muốn được nghe quá nhiều lời than phiền, hay chơi thân với một đứa thích than phiền, chán nản cả ngày. Ông bà ta bảo cấm có sai: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Bị lây bệnh than phiền thì lúc đó “phiền” thật.
Cho nên, trong tâm thế của một người than phiền, hãy tìm đúng người, đúng đối tượng mà chia sẻ vấn đề mình đang gặp phải. Điều này không chỉ giúp bạn cảm thấy an tâm hơn. Mà đó cũng là cách để gia tăng lòng tin và sự thấu hiểu.
Than phiền chi tiết
Như tôi đã chia sẻ ở trên, nếu biết cách than phiền thì chúng ta sẽ biến nó thành điều hữu ích. Vậy cái cách ấy như thế nào, cụ thể ra làm sao?
Ngoài việc xác định đúng đắn mục đích than phiền thì bạn cần hiểu cặn kẽ theo mô hình 5W1H. Nghĩa là:
- Who: Ai là người than phiền?
- What: Than phiền về cái gì?
- When: Nên than phiền khi nào?
- Where: Than phiền ở đâu?
- Why: Tại sao phải than phiền?
- How: Than phiền như thế nào?
Tôi ví dụ:
- Tôi là người than phiền.
- Tôi than phiền về việc bí ý tưởng trong viết nội dung cho website Nội thất.
- Tôi nên than phiền khi tôi quá bế tắc và đau khổ khi không đào ra được ý tưởng dù đã search rụng rời tay chân tay.
- Tôi muốn than phiền điều này trên facebook vì tôi nghĩ biết đâu trong list bạn “đồng chí hướng” của mình biết cách tháo gỡ rắc rối.
- Tôi than phiền vì tôi muốn gỡ rối cho công việc của mình.
- Và tôi muốn than phiền bằng một dòng trạng thái: “ Bí ý tưởng trong viết bài nội thất thì phải làm sao?”, kèm theo đó là một hình họa trực quan về website tôi đang viết.
Việc than phiền chi tiết chính là hoạch định giải cứu bản thân khỏi tiêu cực và xoay chuyển tình thế để thấy rằng: “ Ô hay! Đời có gì mà phải than phiền. Tất cả chỉ là thử thách!”
Than phiền tiết chế
Bạn có biết khi than phiền thì cơ thể sản sinh ra hormone cortisol, căn nguyên của chứng bệnh cao huyết áp, thần kinh và tim mạch? Bên cạnh đó, than phiền quá nhiều sẽ gây ra ám thị của người khác dành cho bản thân. Nghĩa là một người chỉ suốt ngày than phiền và bế tắc. Rõ ràng, chẳng hay ho gì.
Bạn có thể giải phóng năng lượng tiêu cực bằng cách tập thiền, thể dục hay tìm đến một điều mới mẻ: nấu ăn, cắm hoa hoặc học ngoại ngữ. Hoặc đơn giản nhất là thói quen viết nhật ký.
Than phiền quay đầu
“Instead of complaining that the rosebush is full of thorns, be happy that the thorn bush has roses” - Ngạn ngữ Đức
(Thay vì phàn nàn khóm hồng đầy gai, hãy vui sướng vì khóm cây đầy gai nở rộ hoa hồng)
Một vấn đề, sự vật, hiện tượng luôn có hai mặt. Nhìn vào mặt nào, sáng hay tối, tích cực hay tiêu cực thì do quyết định của bản thân. Chúng ta bị vấp ngã, cứ thế nằm ăn vạ cuộc đời, đỗ thừa hoàn cảnh và hoảng hốt biện minh? Hay là cắn răng chịu đau, đứng dậy đi tiếp và đón đợi nhiều điều thú vị phía trước, là bởi chí của mình.
Hannaholala từng chia sẻ rằng:
“ Nếu muốn sống vui vẻ và hạnh phúc hơn, hãy tập nhìn cuộc sống dưới con mắt tích cực hơn. Ví dụ: khi kho cá bị khét thay vì bực mình vì phí công sức và bữa ăn thì hãy nghĩ là may chưa cháy nhà. Bị cho nghỉ việc thì hãy nghĩ đó là một cơ hội cho ta tìm việc mới phù hợp và đúng với sở trường mình hơn. Bị bạn chơi xấu thì hãy biết ơn cái cơ hội cho ta nhìn rõ một người…”
Biết ơn cũng là cách mà chúng ta có thể hóa giải than phiền và biến nó thành động lực để trui rèn và tỏa sáng hơn.
“The worst wheel of the cart makes the most noise” - Benjamin Franklin
(Cái bánh tệ nhất của cổ xe tạo ra nhiều âm thanh nhất)