Sự lặp đi lặp lại của một vấn đề tưởng chừng là vô hại, nhưng thực chất, nó lại dẫn đến hiệu ứng chân lý ảo tưởng. Thông tin đó là sai hay đúng, được kiểm chứng hay chưa kiểm chứng, tất cả chỉ còn quy lại ở việc nó xuất hiện với tần suất như thế nào. Đây cũng là cách những nhà kinh doanh điều khiển hành vi mua sắm của khách hàng trong vô thức!
Hiệu ứng chân lý ảo tưởng là gì?
Khi một điều gì đó lặp đi lặp lại nhiều lần và làm cho con người tin vào nó, đó được gọi là hiệu ứng chân lý ảo tưởng.
Hay đơn giản mà nói, với một nguồn tin (dù chưa được kiểm chứng), được bạn nghe hoặc nhìn thấy, tiếp xúc mỗi ngày thì bạn sẽ có xu hướng tin rằng thông tin này là đúng thay vì chỉ nghe thông tin này lần đầu.
Ví dụ:
Hằng ngày chúng ta thấy rất nhiều tin tức (từ Mạng Xã Hội, tivi, đến báo chí) nói về lợi ích của tổ yến. Và nhiều ngày như thế liên tiếp, thì dù bạn chưa có cơ hội để kiểm chứng lợi ích thực sự của yến, nhưng cá nhân vẫn cứ tin là nó đúng.
Lần đầu tiên bạn nghe đến tác dụng làm mờ thâm của nghệ. Nếu nghe lần đầu, chắc chắn bạn sẽ còn rất ngờ hoặc. Tuy nhiên, khi được tiếp xúc với nhiều nguồn tin nghệ có tác dụng làm mờ thâm ở các phương tiện khác nhau, dù chưa kiểm chứng, nhưng bạn sẽ tin nó là đúng và dễ dàng dùng nghệ hoặc mua các sản phẩm từ nghệ để trị thâm.
Hiệu ứng chân lý ảo tưởng - Chiêu bài trong kinh doanh
Rõ ràng, hiệu ứng chân lý ảo tưởng làm cho con người dường như bỏ qua đúng hay sai, kiểm chứng hay chưa kiểm chứng. Bởi mọi quyết định của bạn đối với nguồn thông tin đó phụ thuộc vào tần suất lặp đi, lặp lại của nó.
Điều này thực sự đáng sợ. Tuy nhiên, nó lại là chiêu thức hữu hiệu của các nhà kinh doanh.
Bạn có thể thấy các công ty/ doanh nghiệp/ brand sẵn sàng vung tiền vào Marketing trên rất nhiều các phương tiện truyền thông rằng:
- Sản phẩm của họ là đặc biệt
- Sản phẩm của họ là duy nhất
- Họ là công ty cung cấp dịch vụ hàng đầu
- Họ là đơn vị cung cấp sản phẩm với giá rẻ nhất
Mặc dù nó có thể chưa được ai kiểm chứng, tuy nhiên, sức mạnh ảnh hưởng của vòng lặp thông tin lại mạnh mẽ vô cùng. Chúng ta bị ám thị bởi sự lặp đi, lặp lại của một thông tin. Và chúng ta vô hình trung tin vào "chân lý" mà thông tin ấy truyền đạt. Bí mật ở đây chính là sự vô thức.
Rõ nhất, bạn có thể thấy:
- Thủ thuật Seeding. Tức việc sử dụng rất nhiều tài khoản Facebook để lặp đi, lặp lại thông tin các diễn đàn. Chẳng hạn: Sử dụng X sẽ trắng răng rất nhanh. Và một loạt các dẫn chứng khác liên quan đến nguồn tin X có tác dụng làm trắng răng.
- Sử dụng nhiều kênh truyền thông để truyền tải một thông điệp. Đây cũng là cách ứng dụng hiệu ứng chân lý ảo tưởng thành công ở nhiều đơn vị kinh doanh. Việc bạn thấy một mặt hàng/ dịch vụ nào đó được đưa lên tivi, báo chí, banner và các trang mạng xã hội khác - nói đúng hơn là phủ sóng toàn mặt trận là vô cùng dễ dàng.
Hiệu ứng chân lý ảo tưởng trong kinh doanh làm cho khách hàng mặc định trong vô thức sản phẩm/ dịch vụ/ công ty đó là tốt nhất/ đáng tin nhất, dù rằng, chính họ chưa kiểm chứng điều này!
Bạn đã từng bị cuốn theo hiệu ứng chân lý ảo tưởng hay chưa?