TOP 4 Điều cần chuẩn bị cho cuộc sống sinh viên
- Tú Anh Bùi
- 07/03/2022
- 1
- 0
- 0
- Share Tweet
Trở thành một sinh viên trên giảng đường đại học chính là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Đó là niềm tự hào, là nỗ lực, công sức mà mỗi học sinh phải cố gắng hết sức mình mới có thể đạt được. Đối với một tân sinh viên còn nhiều bỡ ngỡ khi phải làm quen với một môi trường sống mới thì nhiều bạn vẫn còn mang tâm lý chưa sẵn sàng và đôi khi còn có phần sợ hãi. Nguyên nhân chủ yếu là do phần đông các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm sống ngoài xã hội nên không biết cần phải chuẩn bị những gì để chào đón cuộc sống sinh viên sắp tới. Dưới đây sẽ là những gợi ý giúp các bạn tân sinh viên có thể tự trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết nhất để học tập tốt tại môi trường đại học.
Khi chính thức bước chân vào cánh cổng đại học thi điều đầu tiên mà các sinh viên cần phải đối mặt đến đó là chuẩn bị tâm lý khi xa nhà. Bạn sẽ phải hoàn toàn tự lập và làm chủ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Bạn phải biết cách sắp xếp thời gian biểu phù hợp với việc học tập tại trường, tự học ở nhà cũng như việc tổ chức sinh hoạt thường ngày. Cuộc sống sinh viên cũng đồng nghĩa với việc bạn phải tự quản lý chi tiêu sao cho hợp lý. Nỗi nhớ nhà cũng là một trong những vấn đề khá khó khăn mà mỗi sinh viên đều phải đối mặt, tâm trạng buồn rầu, lo âu, da diết, khắc khoải khi nhớ về người thân và mái ấm gia đình chính là những trở ngại ban đầu mà sinh viên phải cố gắng để vượt qua. Bên cạnh đó, thông thường những tân sinh viên khi vừa trải qua một kỳ thi đại học vô cùng khó khăn thì tâm lý chung sẽ là ‘xả stress’ nên thường bị rơi vào trạng thái mất tập trung, chểnh mảng vấn đề học tập.
Ngoài ra, sinh viên thường có suy nghĩ năm đầu sẽ là thời gian để làm quen với môi trường mới và cách học tập mới nên sẽ chỉ quan tâm đến những địa điểm ăn chơi hơn là việc học tập. Thực tế, học đại học vất vả hơn nhiều, không chỉ khác biệt trong cách dạy học trên lớp mà còn đòi hỏi sinh viên phải chủ động tự học ở nhà thì mới đạt hiệu quả. Các môn học trên đại học đều có lượng kiến thức lớn, do đó nếu không có phương pháp học tập phù hợp thì sinh viên dễ dàng sẽ bị học lại. Nếu bị học lại sinh viên sẽ phải chi trả một số tiền tương ứng với số tín chỉ của môn học đó nên rất tốn kém và mất thời gian. Vậy nên cách tốt nhất đó là chuẩn bị một tâm lý vững vàng và quyết tâm, luôn đặt việc học lên hàng đầu cũng như tích cực, năng động tham gia các hoạt động xã hội thì học đại học mới có ý nghĩa và đạt hiệu quả cao nhất.
Học đại học chính là việc học tập tại một môi trường mới, bắt buộc sinh viên phải sống xa nhà để tự lập. Để làm quen với một thành phố mới thì trước tiên sinh viên cần tìm cho mình một chỗ ở phù hợp. Sinh viên cần tính toán đến những yếu tố để lựa chọn nhà trọ như có gần trường học hay không, giá cả như thế nào, có đảm bảo an ninh không,... Tìm một người bạn cùng phòng để sống chung cũng là một trải nghiệm khá thú vị, nó sẽ giúp cuộc sống sinh viên thêm vui tươi và hơn nữa còn có thể giảm bớt chi phí tiền trọ.
Phương pháp học tập trên đại học sẽ không giống với cách học ở học cấp 3. Các thầy cô không còn giảng bài một cách chi tiết và chỉ dẫn chúng ta từng bước nữa mà thay vào đó họ chỉ là những người hướng dẫn hỗ trợ sinh viên. Do đó, để đạt được thành tích cao nhất khi học đại học thì sinh viên phải luôn sẵn sàng, chủ động học tập tại nhà và tự nghiên cứu, tìm hiểu thêm các tài liệu tham khảo. Sinh viên cần thể hiện thái độ học tập nghiêm túc, sẵn sàng học hỏi những điều mới và sáng tạo những ý tưởng, kế hoạch mới thì mới có thể theo kịp chương trình học. Thêm vào đó, nếu bạn không chịu cố gắng để thoát mác ‘học sinh’ trở thành một sinh viên đại học thì không những không thể thành công trong tương lai mà còn phải đóng thêm phí học lại khá đắt đỏ.
Đối với những tân sinh viên thì có lẽ vấn đề sống tự lập sẽ là một trở ngại khá lớn, là những bước đi đầu tiên phải vượt qua nếu muốn trưởng thành và thành công hơn. Xã hội lại tiềm ẩn khá nhiều cám dỗ nên sinh viên cần phải trang bị cho mình nhiều kiến thức thì mới có thể vượt qua được. Sống tự lập không chỉ đơn giản là quản lý chi tiêu trong đời sống, tự sắp xếp thời gian biểu hợp lý mà còn là những trải nghiệm có được khi đi làm part-time hoặc đi tình nguyện. Sống tự lập sẽ giúp cho sinh viên có được nhiều bài học quý giá và trưởng thành hơn trong cuộc sống.