Nhân loại biết đến Akrasia từ hàng ngàn năm nay, ngay khi chúng ta có ý thức về bản ngã và cuộc sống. Nó không phải là món ăn ngon. Nó cũng không phải là y phục. Nó càng không phải là một nét đẹp văn hóa. Akrasia là một căn bệnh. Đúng hơn, là căn bệnh "nan y" khó trị phổ biến trong giới trẻ hiện nay.
Akrasia là gì?
Akrasia là sự trì hoãn, là trạng thái mà bản thân không biết chắc việc đó có nên làm hay không và nên làm lúc nào.
Bất kỳ ai cũng có thể mắc căn bệnh này, mọi lúc, mọi nơi và mọi thời điểm. Akrasia không cần báo trước. Nó gặm nhấm sự chủ động của con người và thay vào đó là trạng thái chần chừ, lần lữ, từ từ,...
Tóm lại Akrasia là căn nguyên của bệnh thiếu tự chủ.
Akrasia và ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống
Akrasia là một trong các yếu tố ngăn cản chúng ta theo đuổi một điều gì đó.
Đơn giản như thế này:
Tôi là một cô nàng rất ốm, chỉ 43 ký. Tôi muốn mình tăng lên 5 ký. Thế là tôi đề ra quyết tâm một ngày ăn hơn 3 bữa với nhiều tinh bột, uống nhiều sữa và tập thể dục 30 phút. Nhưng rồi, ngày hôm sau của lời tuyên bố, tôi chỉ cố gắng ăn thêm một chút ít, sữa không uống và chỉ tập thể dục 15 phút. Lúc này, tôi lại nghĩ:
- Người như mình chắc không mập đâu.
- Hoặc là, ăn nhiều quá thì mệt lắm.
- Cũng có khi, từ từ, khi nào ít công việc lại rồi tăng cân cũng không muộn.
Mặc dù đã đề ra kế hoạch, nhưng sự trì hoãn của bản thân đã làm cho ước muốn tăng lên 5 ký của tôi không bao giờ thành hiện thực.
Nghĩa là Akrasia ngăn cản tôi bám trụ tới cùng mục tiêu ban đầu của mình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, bạn chỉ nếu ( một biểu hiện của Akrasia ) thì mãi mãi chỉ là nếu.
Tại sao chúng ta lại trì hoãn dù đã có mục đích?
Nó liên quan đến “tính không đồng nhất về thời gian”.
Nghĩa là bộ não của chúng ta quan trọng điều trước mắt (hiện tại) hơn kết quả, thành quả tương lai.
Rõ ràng:
Khi tôi lập kế hoạch tăng cân, điều này thuộc về tương lai. Ý thức của tôi vẽ nên viễn cảnh tươi đẹp khi bản thân tròn trịa hẳn lên. Tuy nhiên, đến lúc bắt tay vào hành động, tức là thực hiện hoạt động hiện tại để dẫn đến tương lai thì tôi lại cảm thấy khó nhằn và trì hoãn.
Lúc này, tôi sẽ đi ngủ với tất cả sự hào hứng và năng lượng tích cực, song khi tỉnh dậy, mọi thứ cũng chỉ là giấc mơ không bao thành. Sự cám dỗ của nhận thức với hiện tại thực sự quá khốc liệt. Nó làm cho kết quả của tương lai chỉ còn là tâm trạng, là một phần trong tiềm thức và chúng ta không bao giờ sẵn sàng bật dậy để đón nhận.
Vậy làm thế nào để chấm dứt chuyện này?
3 cách đánh bại Akrasia
Đọc về Akrasia mà tôi chia sẻ cũng là một cách mà bạn đang mong muốn thay đổi chính vì. Vì vậy, hãy nghiền ngẫm nó thật kỹ với 3 cách dưới đây để tự mình chống lại hiệu ứng trì hoãn và theo đuổi đến cùng những mục tiêu mà bạn đã đặt ra.
Lên kế hoạch hành động cho tương lai
Bạn muốn giảm cân?
- Hãy mua ngay một phiếu tập (không đi thì mất tiền ráng chịu)
- Vứt bỏ hoặc cho hết tất cả đồ ăn vặt trong nhà
- Cắt xén lại chi tiêu,...
- Quan trọng là chính sách thưởng phạt cho tất cả mọi hành động.
Tất cả những gì bạn cần làm lúc này là thực hiện những hành động nhỏ nhất nhưng “trung thực” nhất cho mục tiêu tương lai của bạn.
Tôi cũng có ước mơ trở thành một Content Marketer giỏi. Đó là lý do mà tôi đã chi tiền của mình vào sách, luôn luôn cầm theo sách, và hằng ngày, cố gắng chia sẻ những kiến thức hay ho nhất mà mình trải nghiệm cho cộng đồng. Hãy tìm cách tự động hóa, cụ thể hóa hành vi của mình trước thay vì dựa vào sức mạnh “èo uột” hoặc “mềm như bún” của ý chí trong hiện tại. Việc lập kế hoạch càng chi tiết và làm nó ngay lập tức sẽ khiến bạn trở nên có động lực hơn.
Hóa giải mâu thuẫn của việc bắt tay vào làm
Hãy tin tôi đi:
“Cảm giác dằn vặt và khó chịu khi trong trạng thái suy nghĩ nên làm luôn hay không rất mệt mỏi”.
Nó còn khó nhọc hơn nhiều với việc bắt tay vào làm.Cho nên, hãy thử bắt tay vào làm ngay trước khi nghĩ: “Có nên làm hay không”. Điều này sẽ làm cho bạn cảm thấy dễ chịu và mọi thứ không đáng sợ đâu. Tất cả những suy nghĩ đáng sợ là do tự bạn huyễn hoặc ra cả đấy!
Áp dụng những ý định thực hiện một cách chi tiết nhất có thể
Như đã đề cập ở trên, bạn càng chi tiết hóa hành động hiện tại thì kết quả tương lai sẽ càng đến nhanh. Một trong những cách chi tiết hóa này chính là xác định ngay và luôn mọi thứ muốn làm.
Chẳng hạn, muốn duy trì thói quen đọc sách. Hãy lựa chọn và viết ra một note: “Đọc sách lúc 6h, tại X, với Y”. Hay đơn giản, việc lên lịch cụ thể cho công việc của ngày mai sẽ làm cho bạn có xu hướng muốn hoàn thành tất cả công việc đã đề ra bằng mọi giá. Sự chi tiết sẽ làm cho não bộ của bạn tỉnh táo hơn trong việc nỗ lực thực hiện yêu cầu đã đề ra. Và nhớ, đừng bao giờ quên nhắc nhở bản thân thường xuyên trong việc duy trì thói quen tốt nhé!
Tất nhiên, chống lại Akrasia không dễ! Bởi đơn giản, não bộ của chúng ta ưa thích thành quả, lợi ích trước mắt hơn là lâu dài. Cho nên căn bệnh trì hoãn có thể bùng phát bất cứ lúc nào.Tuy nhiên, nếu nỗ lực duy trì thói quen chống lại sự trì hoãn thường xuyên thì chắc chắn rằng, não bộ của bạn cũng sẽ tự thay đổi theo xu hướng tích cực hơn. Đó cũng là cách mà bạn có thể làm chủ bản thân và làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn!