Hiệu ứng trong mua sắm là bí quyết mà các nhà kinh doanh ứng dụng để lấy tiền của khách hàng hay đúng hơn, thúc đẩy khách hàng chi ra nhiều tiền để mua nhiều thứ hơn. Liệu rằng, bạn có đang mắc phải 1 trong 7 cái bẫy hiệu ứng ngọt ngào không lối thoát được giăng ra bởi người bán hàng?
Hiệu ứng Diderot
Đây là hiệu ứng được lấy tên từ một triết học người Pháp tên là Diderot. Cuộc sống nghèo khổ của ông thay đổi khi Catherine Đại Đế quyết định mua toàn bộ thư viện của Diderot. Ông sắm cho mình một chiếc áo choàng đỏ. Và từ khi có áo choàng đỏ, Diderot bắt đầu cảm thấy mọi thứ trong nhà trở nên lạc lõng, không tương xứng với vật phẩm quý giá này. Từ đây, kéo theo một loạt hành động tiếp theo của ông. Đó chính là việc Diderot thay mới, sắm mới toàn bộ cho ngôi nhà của mình.
Hiệu ứng Diderot là hiện tượng tâm lý xã hội phổ biến. Cơ chế mà nó hoạt động chính là làm cho con người mua sắm trong vô thức.
Tất nhiên, khi đang sở hữu một chiếc váy hồng rực rỡ, điều bạn muốn tiếp theo chính là tìm thêm một đôi giày, một đôi hoa tai, một chiếc túi xách,...Và cứ thế vòng lặp trở nên dai dẳng nếu bạn không kiểm soát ý thức của mình.
Xem thêm: Diderot - Hiệu ứng mua sắm không ý thức
Hiệu ứng đua đòi
Khác với hiệu ứng Diderot, hiệu ứng đua đòi là khi con người muốn sở hữu một thứ gì đó trong ý thức. Đơn giản là họ muốn trở nên nổi bật, muốn gây chú ý bằng món đồ chưa ai có. Bạn có thể giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của hiệu ứng này bằng cách liệt kê ra những điều bạn làm tốt. Điều này giúp bạn có thể tin tưởng rằng: Việc sở hữu một con xe đẹp sẽ không đáng giá hơn việc bạn có năng lực làm việc tuyệt vời hay thái độ sống tích cực.
Hiệu ứng đoàn tàu
Hay còn gọi là hiệu ứng đám đông. Lúc này, bạn chỉ muốn sở hữu một món nào đó chỉ vì ai cũng đang có nó. Trong tình huống này, rất hiếm khi bạn suy nghĩ rằng món đồ ấy thực sự phù hợp với mình hay không, mà chỉ để ý đến việc có thứ đồ đó để hợp với xu hướng của đám đông.
Hiệu ứng ảo tưởng
Bạn đang rất gầy, 43kg, nhưng chiếc váy 45kg mặc vừa kia lại rất đẹp. Thế là bạn mua nó và tự nhủ trong đầu: Ừ thì mai mốt cố gắng ăn vào cho đủ 45kg, mặc đúng đẹp luôn. Thế nhưng một thời gian sau, cân nặng của bạn vẫn thế, chỉ có chiếc váy 45kg kia là còn nguyên tem trong tủ đồ. Và đây được gọi là hiệu ứng ảo tưởng trong mua sắm. Tất nhiên, bạn vẫn có thể chấm dứt nó nếu bản thân thực sự có quyết tâm với điều mình nói.
Hiệu ứng mua sắm theo cảm xúc
Hiệu ứng mua sắm theo cảm xúc hay còn gọi là mua sắm tùy hứng là vấn nạn khó dứt ra của nhiều người hiện nay.
- Hôm nay tồi tệ quá - Đi mua đồ thôi.
- Hôm nay vui quá - Đi mua đồ thôi.
- Hôm nay khó chịu quá - Đi mua đồ thôi.
- Hôm nay mình giỏi quá - Tự thưởng cho mình bằng vài chiếc váy xinh xắn thôi.
Chẳng có cách nào dừng lại cảm xúc thích đi mua đồ mọi lúc mọi nơi, trừ khi bạn luôn nhắc nhớ mình rằng: Có những việc quan trọng hơn để cần tiền. Hay chăng nghĩ đến cảnh thảm thương cuối tháng phải ăn mì gói.
Hiệu ứng rẻ là mua
Rõ ràng, chúng ta có xu hướng mua nhiều hơn những món đồ rẻ. Tuy nhiên, có thể bạn sẽ không biết rằng, chi phí để sửa chữa hay mua lại món đồ khác do món đồ rẻ còn gây ra tổn thất chi phí nhiều hơn là mua món đồ đắt xắt ra miếng trước đó.
Hiệu ứng giảm giá
Còn gì sung sướng bằng việc cửa hàng mỹ phẩm mình yêu thích SALE mạnh tay trong một ngày. Lúc đó, dường như cảm giác của bạn sẽ là nỗ lực gom thật nhiều đồ giảm giá dù rằng ở nhà món đồ ấy vẫn còn hoặc món đồ ấy thực sự không hợp với bạn. Tương tự như các hiệu ứng khác, cách duy nhất để thoát ra khỏi nó chính là tự nhắc nhớ cho bản thân tỉnh táo trước món đồ giảm giá sắp mua.