Người lao động một năm được nghỉ bao nhiêu ngày và có bị trừ lương không?

Đối với mỗi người không ai có thể đảm bảo mình có thể làm việc xuyên suốt cả một năm mà không nghỉ phép hoặc nghỉ vì những lý do cá nhân riêng của mình như cưới hỏi, ốm đau, tang gia… Vậy mỗi người lao động sẽ được nghỉ bao nhiêu ngày một năm và khi nghỉ như vậy có được hưởng lương hay không hay sẽ bị trừ lương? Mọi người hãy cùng theo dõi và lưu lại các thông tin hữu ích dưới đây nhé:

A/ NGHỈ PHÉP NĂM

Nghỉ phép năm hay tên chính xác là nghỉ hàng năm theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019. Khi bạn nghỉ phép năm, bạn sẽ được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động (không bị trừ lương bạn nhé).

Điều kiện được nghỉ phép năm: là người lao động của công ty theo hợp đồng lao động (hợp đồng lao động ngắn hạn, dài hạn hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn).

Số ngày nghỉ phép năm

Trong trường hợp nội quy công ty/thỏa ước lao động tập thể tại công ty bạn không có quy định khác (lớn hơn số ngày nghỉ phép năm so với quy định của bộ luật lao động) thì nếu bạn làm việc đủ 12 tháng tại công ty bạn sẽ có số ngày nghỉ phép năm là:

  • 12 ngày làm việc (nếu bạn làm việc trong điều kiện bình thường); hoặc
  • 14 ngày làm việc (nếu bạn chưa thành niên hoặc người khuyết tật hoặc người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm); hoặc
  • 16 ngày làm việc (nếu bạn làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm).
  • Cứ mỗi 05 năm bạn làm việc cho một công ty, số ngày nghỉ hàng năm của bạn sẽ được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

Nếu bạn chưa làm việc đủ 12 tháng thì số ngày nghỉ hàng năm của bạn sẽ tỷ lệ tương ứng với số tháng mà bạn làm việc tại công ty. Ví dụ: bạn làm việc 06 tháng hoặc hợp đồng của bạn có thời hạn 06 tháng thì bạn sẽ có số ngày nghỉ phép là 6 ngày (nếu công ty bạn không có quy định số ngày nghỉ phép cao hơn).

Vậy nếu bạn làm đủ 12 tháng nhưng chưa nghỉ hết số ngày phép năm thì có được cộng dồn ngày phép vào năm sau hay có được công ty thanh toán lương cho những ngày chưa nghỉ hay không?

Đối với quy định mới tại Bộ luật Lao động năm 2019 thì bạn chỉ được thanh toán tiền lương đối với những ngày chưa nghỉ/chưa nghỉ hết số ngày phép khi bạn thôi việc, bị mất việc làm và không có quy định được cộng dồn ngày nghỉ hàng năm vào năm sau.

Do đó, có thể hiểu nếu bạn làm việc tại công ty hơn một năm và không nghỉ việc mà chưa nghỉ hết số ngày phép thì sẽ không được thanh toán tiền cho những ngày chưa nghỉ và cũng không được cộng dồn ngày phép vào năm sau nếu công ty bạn không có quy định khác.

Một lưu ý đối với các bạn có nhà xa mà thời gian di chuyển bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ ba trở đi, bạn sẽ được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hàng năm và chỉ được tính 01 lần nghỉ trong năm.

Nghỉ phép năm được bao nhiêu ngày?
Nghỉ phép năm được bao nhiêu ngày?

B/ NGHỈ LỄ, TẾT

Ngoài thời gian nghỉ hàng năm, khi rơi vào những ngày Lễ, Tết như dưới đây bạn sẽ được nghỉ làm việc và được hưởng nguyên lương, cụ thể như sau:

1. Tết Dương lịch (01/01): được nghỉ 1 ngày;

2. Tết Âm lịch: được nghỉ 5 ngày;

3. Ngày 30/4: được nghỉ 1 ngày;

4. Ngày Quốc tế lao động (01/05): được nghỉ 1 ngày;

5. Ngày Quốc khánh (02/9): được nghỉ 2 ngày (02/9 và 1 ngày liền kề trước hoặc sau), tăng số ngày nghỉ thêm 1 ngày so với quy định tại Bộ luật Lao động 2013;

6. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch): được nghỉ 1 ngày;

7. Riêng đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam: sẽ được nghỉ thêm 1 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 1 ngày Quốc khánh của nước họ.

Tổng cộng số ngày nghỉ Lễ, Tết: 11 ngày (nếu bạn là người Việt Nam) và 13 ngày (nếu bạn là lao động người nước ngoài).

Nghỉ lễ tết
Nghỉ lễ tết

C/ NGHỈ VIỆC RIÊNG

Ngoài những ngày nghỉ nêu trên, bạn còn có thể nghỉ vì việc riêng được hưởng nguyên lương; tuy nhiên, bạn phải thông báo với công ty của bạn trước khi nghỉ, cụ thể:

1. Kết hôn: được nghỉ 3 ngày;

2. Con đẻ, con nuôi kết hôn: được nghỉ 1 ngày;

3. Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: được nghỉ 3 ngày.

D/ NGHỈ KHÔNG HƯỞNG LƯƠNG

1. Bạn sẽ được nghỉ không hưởng lương 1 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

2. Bạn sẽ được nghỉ không hưởng lương với thời gian cụ thể bằng cách thỏa thuận với công ty của bạn, tuy nhiên, trong trường hợp này bạn nên hạn chế tối đa việc nghỉ không hưởng lương vì ít công ty nào đồng ý với việc nhân viên của mình thường xuyên nghỉ bạn nhé.