Mẹo trồng nấm bằng phôi sẵn có tại nhà

Trồng nấm với phôi sẵn có đã và đang trở thành xu hướng của nhiều gia đình. Điều này đến từ quy trình trồng đơn giản và cảm giác háo hức chờ đợi nấm sạch cho gia đình. Cùng TOPBESTVIET khám phá quy trình trồng và thu hoạch nấm tại nhà trong bài chia sẻ dưới đây! 

Tìm hiểu cách trồng nấm bằng phôi tại nhà cực đơn giản
Tìm hiểu cách trồng nấm bằng phôi tại nhà cực đơn giản

* Lưu ý, trong bài chia sẻ này, TOPBESTVIET đề cập đến nuôi trồng phôi nấm Bào Ngư và nấm Sò, đây là 2 loại nấm có đặc tính khá giống nhau về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và cách bảo quản.

Nơi đặt phôi nấm

Đặt phôi nấm ở nơi thoáng, kín gió, kín mưa, có ánh sáng tự nhiên
Đặt phôi nấm ở nơi thoáng, kín gió, kín mưa, có ánh sáng tự nhiên

Vị trí đặt phôi nấm cực kỳ quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nấm. Bạn nên tìm nơi thoáng mát, kín gió, kín mưa và có ánh sáng tự nhiên (tránh ánh nắng Mặt Trời). Nếu đặt nơi có ánh sáng mặt trời hoặc có mưa, phôi nấm sẽ hỏng hoặc nấm sẽ bị khô, queo nếu đặt nơi có gió. 

Không nên đặt nấm ở phòng ngủ, phòng khách hoặc nơi thiếu ánh sáng tự nhiên.

Giữ ẩm cho nấm

Giữ ẩm cho phôi nấm bằng cách tưới nước. Bạn có thể dùng bình xịt phun sương để tưới bên ngoài phôi nấm (không tưới vào cổ phôi, gây ứ nước, hư phôi). Nên đặt phôi theo hướng cổ phôi chúc xuống để không bị đọng nước. Đối với nước tưới phải là nước sạch, không nhiễm phèn, nhiễm mặn.

Nên tưới 4 đến 5 lần (mùa nắng) và 1 đến 2 lần (mùa đông, trời mát). Không nên tưới vào ban đêm.

Bạn cũng có thể sử dụng khăn ẩm, bạc cách nhiệt, lưới lan, thùng xốp,...để giữ ẩm cho nấm lâu hơn.

Thu hoạch nấm

Thu hoạch nấm khi nấm đạt chiều dài khoảng 1 ngón tay
Thu hoạch nấm khi nấm đạt chiều dài khoảng 1 ngón tay

Sau khoảng 1 tuần, nấm sẽ mọc ra nếu được chăm sóc đúng cách. Tùy theo nhu cầu mà bạn có thể thu hoạch tai nấm to hoặc tai nấm cúp. Tuy nhiên, khi tai nấm khoảng 1 ngón tay (4-5cm) là lúc ngon, nhiều dinh dưỡng nhất.

Khi chùm nấm đạt kích thước muốn hái, một tay giữ thân phôi nấm sát với cổ phôi, một tay lắc qua lắc lại nấm. Cứ như vậy, cả chùm nấm sẽ được kéo ra, bao gồm cả phần gốc. Điều này giúp cho cổ  phôi được sạch sẽ, không bị sót lại chân nấm cũ (gây hư phôi).

Vệ sinh phôi nấm chuẩn bị cho lứa tiếp theo

Đối với việc thu hoạch đúng cách, chân nấm thường đã sạch sẽ. Tuy nhiên, nếu chẳng may vẫn còn chân nấm, bạn có thể sử dụng đầu muỗng và nạy đi chân nấm (không cạo quá sát vào phần mùn cưa). Sau đó, tưới nước, giữ ẩm và chuẩn bị cho lứa thu hoạch tiếp theo.

Một phôi nấm sẽ thu hoạch được 5 đến 7 nấm.

Bảo quản nấm sau thu hoạch

Bảo quản nấm trong ngăn mát nếu chưa sử dụng
Bảo quản nấm trong ngăn mát nếu chưa sử dụng

Nấm sau thu hoạch, cắt gốc, có thể rửa sạch và chế biến liền. Hoặc, nếu chưa sử dụng, bạn hãy cho nấm (chưa rửa) vào ngăn mát tủ lạnh (3 đến 5 độ C). Nếu nấm đã được rửa trước, khi bảo quản trong tủ lạnh sẽ bị nhũn, hút nước và ăn không ngon.