Là một trong các bài thuốc hay mà các mẹ vẫn thường dùng để chữa cảm lạnh cho con, Hương nhu tía hay còn gọi là É tía, É rừng, É đỏ không còn là cái tên xa lạ với nhiều người. Cùng TOPBESTVIET khám phá giống cây dược liệu có hương thơm đặc trưng ngay trong bài chia sẻ này nhé!
Vài điều cần biết về Hương nhu tía
Hương nhu tía có tên khoa học là Ocimum sanctum L., thuộc họ Lamiaceae - Hoa Môi.
Cây mọc ở các vườn hoang hoặc được trồng để làm dược liệu với sức sống cao, chịu được điều kiện đất nghèo dinh dưỡng, chịu hạn, chịu úng tốt.
Là cây thân thảo với chiều cao khoảng 1m. Thân có màu đỏ tía, phân nhánh nhỏ với lớp lông phủ mỏng. Lá dài từ 3 - 6cm, mang màu của thân cây, có các gân đối xứng, mép hình răng cưa và lông phủ cả hai mặt lá.
Hoa của Hương nhu tía mọc cụm, ở đỉnh cành, có màu trắng hoặc tím đặc trưng.
Có mùi thơm tinh dầu nhẹ, hơi nồng.
Tất cả các bộ phận của Hương nhu tía đều có thể sử dụng.
Thành phần hóa học của Hương nhu tía
Bao gồm: Hàm lượng lớn Eugenol, Methyl eugenol và β- caryophyllene (tinh dầu), Caryophylen; và lượng nhỏ Elemol, Humulen và Caryophylen oxy.
Trong đó:
Eugenol là một phân tử phenolic được ứng dụng như một chất khử trùng, có đặc tính chống viêm, hạ sốt, chống oxy hóa và giảm đau.
β- caryophyllene là một hoạt chất góp phần tạo ra mùi hương của Hương nhu tía. Có khả năng hỗ trợ chống âu lo và trầm cảm.
Caryophylen có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau hiệu quả.
Thu hái - Sơ chế và bảo quản Hương nhu tía
Hương nhu tía thường được thu hoạch (lá hoặc cả thân lá) vào tháng 5 đến tháng 10 (lúc cây đang ra hoa). Bạn có thể dùng tươi, dùng ở dạng chiết xuất tinh dầu hoặc làm sạch, cắt đoạn và phơi khô dưới bóng râm.
Hương nhu tía sau khi phơi khô hoặc sấy khô thì bảo quản trong túi nilong hoặc lọ thủy tinh, tránh ẩm mốc và ánh nắng mặt trời trực tiếp.
Tác dụng của Hương nhu tía
Trong Đông y, Hương nhu tía có vị cay, tính tán, ôn thông, cho nên có các tác dụng hỗ trợ điều trị và chữa các bệnh như:Làm giảm stress, giải tỏa lo lắng nhờ hoạt chất β- caryophyllene có trong Hương nhu tía.
Có khả năng kháng viêm, giảm đau nhờ thành phần Acid linoleic, Eugenol ức chế lipoxygenase và cyclooxygenase (gây viêm).
Làm hạ sốt, trị cảm lạnh, chữa tiêu chảy, lạnh bụng, hôi miệng.
Kháng khuẩn và loại bỏ một vài chủng vi khuẩn như Bacillus pumius, staphylococus aureus,…
Kích thích mọc tóc khi sử dụng chung với lá bưởi, vỏ bưởi và bồ kết.
Dùng Hương nhu tía trong hỗ trợ và điều trị bệnh ở dạng nước (sắc nước), lá xông hoặc tinh dầu.
Lưu ý:
Không dùng Hương nhu tía quá liều, cần tham khảo ý kiến của người có chuyên môn trước khi sử dụng.
Nên làm sạch Hương nhu tía trước khi xông hoặc sắc nước.
Không dùng Hương nhu tía đã lên mốc.
Nếu mua tinh dầu, cần mua ở những địa chỉ uy tín.
Chống chỉ định sử dụng Hương nhu tía với các trường hợp: người bị chứng ra nhiều mồ hôi, bị ho lao,...hoặc người đang sử dụng thuốc điều trị có tương tác với dược liệu.